Loading ...

Trang In Tech

Ba bài học của tuổi 32

Mỗi một tuổi trôi qua mình lại càng thấy biết ơn hơn cuộc đời này khi đã cho mình rất nhiều trải nghiệm, để mình biết yêu thương cả những nỗi đau và thử thách, khiến mình trưởng thành hơn sau mỗi lần vấp ngã và trân trọng hơn kể cả những niềm vui dù nhỏ nhặt. Lắng nghe nhiều hơn Càng ngày mình càng thích lắng nghe và quan sát mọi việc trước khi nói hoặc đưa ra quyết định. Việc này khiến mình hiểu rõ hơn quan điểm của người đối diện và giúp mình cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn từ ngữ và cách diễn tả quan điểm cá nhân. Trong mỗi cuộc họp, mình thường lắng nghe các bạn, anh/chị chia sẻ xong hết rồi mình mới đưa luận điểm. Việc này giúp mình có thêm thời gian để nhìn được toàn cảnh vấn đề đang được thảo luận và thu nhặt những góc nhìn đa dạng khác. Sức mạnh của lời nói vô cùng khủng khiếp, dù dễ dàng phát ra nhưng lại có tính ảnh hưởng rất cao. Mình biết một cặp đôi hàng xóm cũ, họ yêu xa 5 năm và tiến tới hôn nhân. Mọi chuyện tưởng như thế là happy ending rồi vì cuối cùng anh chị cũng đến được với nhau sau bao cách trở. Có ai ngờ đâu, chỉ sau 1 năm về sống chung, hai người đường ai nấy đi chỉ vì những cãi vã nho nhỏ hàng ngày. Những rạn nứt vụn vặt cứ liên tiếp bồi đắp từ ngày này qua tháng nọ, họ liên tục sát thương nhau bằng những lời đay nghiến, không ai chịu lắng nghe và thấu hiểu cho người còn lại. Ở một góc độ khác, từ ngữ và cách nói chuyện sẽ thể hiện sự sâu sắc và thông minh của bạn. Bạn cứ để ý mà xem, người càng càng đi nhiều nơi, học cao hiểu rộng, thì họ lại càng ít nói và ít khi tranh cãi. Họ tập trung đánh giá vấn đề trước khi đưa ra quan điểm. Thực ra, bản chất của việc giao tiếp tốt cũng nằm ở kỹ năng biết lắng nghe, chứ không phải kỹ năng nói. Lắng nghe với một trái tim thấu hiểu khác hẳn việc nghe như một cái máy nhưng không hề nhập tâm vào đầu. Nói KHÔNG nhiều hơn Càng có tuổi bạn sẽ càng thấy thời gian của bạn trở nên ngắn hơn, bạn bớt bận tâm về những điều người khác nghĩ về bạn. Bạn bớt dành thời gian cho mấy điều tầm phào, những điều vô bổ hoặc không khiến bạn thực sự vui. Muốn có thời gian thật sự chất lượng, bạn cần phải nói Không với những thứ bạn thấy chưa phù hợp. Chung quy lại cũng là sự lựa chọn: Chọn làm cái này thì sẽ không được làm cái khác. Ví dụ: bạn chọn đi sinh nhật một người bạn cũ tối nay thì bạn sẽ không thể dành thời gian buổi tối với mẹ bạn để cùng xem một bộ film mà hai mẹ con cùng thích. Mình đã và vẫn đang tập nói Không với những cuộc hẹn ăn uống đột xuất, hay những việc gắn tag Urgency (trong khi thực tế task có thể đẩy lùi qua một khung thời gian khác). Mình nói Không với những buổi hẹn cafe cuối tuần vì cuối tuần là me-time của mình. Mình cần bản thân được thư thái, được thở, được nghỉ ngơi và làm điều mình thích như là học vẽ, luyện code, hay là nấu vài món ăn mới xem trên youtube vừa qua. Nói Không ngay từ đầu cũng là thể hiện mình thực sự tôn trọng người đối diện và cả chính bản thân mình. Bạn sẽ không muốn có buổi hẹn hò chán ngắt mà chính bạn không tập trung vào cuộc trò chuyện, rồi về nhà lẩm bẩm “Giá như mình chưa từng đến buổi hẹn đó”. Từ chối từ đầu sẽ bớt đau khổ cho cả hai. Tập trung và thực sự tập trung Vấn đề của mấy người over-thinking và detail-oriented như mình là nghĩ quá nhiều, muốn mọi việc hoàn hảo, rồi tham lam muốn đạt được nhiều thứ, nên mình sẽ dễ bị mất tập trung, sa đà vào những thứ tiểu tiết mà mất đi sự tập trung vào điều quan trọng nhất. Gần đây, mình đọc được một cuốn sách rất hay tên là “The One Thing” của Gary W. Keller và Jay Papasan. Ở Việt Nam đã có bản dịch rồi nhưng mình nghĩ bạn nên tìm đọc bản Tiếng Anh vì nó sát nghĩa hơn, nội dung cũng khá dễ đọc. It is not that we have too little time to do all the things we need to do; it is that we feel the need to do too many things in the time we have. Success demands singleness of purpose. Focus is a matter of deciding what things you’re not going to do. – The One Thing book Hàng ngày, chúng ta có quá nhiều thứ để làm và giết thời gian; hoặc chúng ta muốn làm quá nhiều thứ cùng một lúc với chủ nghĩa “multi-tasking” – làm việc đa nhiệm. Ai cũng đánh giá quá cao bản thân mình có thể làm tốt mọi việc cùng một lúc. Nhưng thật ra: Multitasking kills productivity. Khi làm nhiều việc cùng một lúc, bạn rất dễ bị mất tập trung và kết quả là không đạt được gì cả. Lý do tại sao thì bạn có thể xem video này: Why It’s Not Efficient to Multitask Trong công việc, mình cố gắng block khoảng thời gian buổi sáng để tập trung vào duy nhất điều quan trọng nhất giúp team đạt mục tiêu tuần và tháng, thay vì kiểm tra mailbox hoặc tham dự các cuộc họp. Ba câu hỏi mình thường

Một năm 2022 đầy dũng cảm

Nếu phải lựa chọn một từ cho 2022 vừa qua thì với mình chính là: “Dũng Cảm” Sự nghiệp Mình đã dũng cảm bắt đầu một thử thách mới trong nấc thang sự nghiệp dù biết rằng mình khoác chiếc áo đó lên thì nó hơi rộng với mình ở hiện tại, tức là mình chưa thực sự đủ khả năng và tự tin để làm tốt công việc được giao. Lúc mình gật đầu chấp nhận nhiệm vụ mới trong phòng họp, mình vừa run vừa sợ và nghĩ “Nếu mình thất bại thì sao? Mọi người sẽ nhìn mình như một kẻ thua cuộc, còn trẻ mà hiếu thắng?”. Nhưng trong một phần mười của giây ngắn ngủi đó, mình đã tự trấn an bản thân rằng: “Go big or go home”, dù gì thì mình cũng không có gì để mất. Nếu coi thử thách là cơ hội để phát triển bản thân thì đây chính là thời khắc mình sẽ được học và nhận về nhiều kinh nghiệm nhất, “không thành danh thì cũng thành nhân”, kiến thức mình học được từ đây có lẽ thực tế hơn 100 lần so với lúc đi học. Mình dũng cảm lựa chọn ở lại thay vì ra đi dù biết rằng rất nhiều đồng nghiệp xung quanh đã dừng bước, điều đó khiến mình có chút sợ hãi và lo lắng. Mình có phải quá lì lợm và bướng bỉnh với giấc mơ về việc xây dựng thương hiệu đã gắn bó 4 năm vừa qua thành điều gì đó vĩ đại? Mình chỉ biết cố gắng hết sức, không ngừng học hỏi và tìm kiếm giải pháp, vấp ngã rồi lại đứng lên với tinh thần của một chiến binh. Kì thực trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi. Lỗ Tấn Con đường nào cũng có rủi ro và thách thức, buộc chúng ta phải dũng cảm, sáng tạo và mạo hiểm để tìm được hướng đi đúng nhất cho bản thân. Quan trọng là cách mình nhìn nhận những lần “thử và sai” đấy như thế nào để đạt được thành công cho tương lai. Lối sống tối giản Mình đã dũng cảm bỏ hết những vật dụng mình thấy không cần thiết trong căn hộ (dù nhiều món mình đã mua rất đắt và mất công để mang về từ những chuyến đi ở châu Âu), vứt bỏ bớt quần áo không sử dụng tới, chỉ giữ lại những thứ mình thường xuyên mặc (có một quy tắc là: nếu cái gì bạn không mặc tới trong ba tháng thì trong tương lai bạn cũng sẽ không sử dụng nó). Khi căn hộ được dọn dẹp sạch sẽ, không gian thoáng đãng, mình thấy cuộc sống đơn giản và nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Mình chỉ tập trung vào những thứ thực sự quan trọng với bản thân mà thôi, như là học vài kỹ năng mới, tập thể dục hay thi thêm chứng chỉ nâng cao trình độ. Mình có nhiều thời gian hơn với gia đình và những người thương yêu của mình, thay vì phải dọn dẹp nhà cửa suốt ngày. Mình cảm thấy rất tự do với cuộc sống hiện tại khi mình ít bị trói buộc vào chủ nghĩa mua sắm tiêu dùng. Mình có đủ khả năng để mua những thứ xa xỉ nhưng mình lựa chọn sẽ không mua nó, không phải vì mình muốn tiết kiệm, mà đơn giản nó không phù hợp với mình ở hoàn cảnh hiện tại. Bây giờ, mình làm trong ngành công nghệ, xung quanh ai cũng chỉ quần jeans áo phông, xuề xoà và chân phương, có gì nói nấy; nên mình cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Sáng sáng đi làm, mình không mất thời gian suy nghĩ nên mặc đồ gì mà thường lựa chọn trang phục đơn giản, lịch sự với gam màu trung tính, phù hợp với hoạt động của ngày hôm đó. Trong chuyến đi châu Âu vừa qua, mình rất vui khi không shopping bất kể thứ gì cho bản thân, trừ một vài món quà kỷ niệm cho bạn bè và gia đình; hoặc lúc mình bị lạc mất hành lý ở Florence, Italy, lúc đó thì mình chỉ mua vài món cơ bản để mặc trong lúc đợi hành lý tới. Nói chung, valise trong chuyến đi qua 3 đất nước và 6 thành phố của mình rất gọn nhẹ với chủ yếu quần áo cotton, phù hợp với việc di chuyển liên tục hoặc leo cầu thang ở mấy căn hộ Airbnb không có thang máy. Việc di chuyển dễ dàng giúp mình chỉ tập trung vào việc gia tăng trải nghiệm bằng cách khám phá văn hoá địa phương và ăn uống ở các nhà hàng ngon từ 1-3 sao Michelin (chất lượng quan trọng hơn số lượng). Mối quan hệ được detox Giống như thức ăn và đồ vật, để khoẻ mạnh hơn, chúng ta cũng cần thanh lọc những mối quan hệ của mình. Ai cũng chỉ có 24 giờ trong quỹ thời gian ngắn ngủi hàng ngày; vậy thì việc dành thời gian cho ai thực sự cần cân nhắc kỹ lưỡng. “Nhiều chưa chắc đã tốt, chỉ cần vừa đủ”. Đó là quan điểm của mình khi lựa chọn giữ hay giảm bớt những mối quan hệ xung quanh. Ở độ tuổi 20s, mình có rất nhiều bạn và mối quan hệ xã hội phong phú. Mình tham dự rất nhiều buổi sinh nhật, tiệc tùng thâu đêm, hiếm khi thấy mình ở nhà. Giờ khi mình đã ngoài 30, những mối quan hệ đó hầu như không còn có mặt trong cuộc sống của mình nữa. Không phải vì họ không tốt, mà đơn giản là giữa chúng mình không chia sẻ chung quan điểm và những giá trị giống nhau nữa, ai cũng có cuộc

Tản mạn những ngày cuối năm

Năm nay, Giáng Sinh, Năm mới và Tết âm lịch rất gần nhau, chỉ vỏn vẹn trong tháng 12 và tháng 1 dồn dập những ngày lễ lớn. Có lẽ vì lý do thời gian mà tâm trạng tôi những ngày cuối năm trở nên xốn xang hơn, dễ xúc động hơn. Hoặc cũng có thể là do hormone, nhưng không thể nào hormone cả tháng dài được. Tôi pha một tách trà hoa cúc nóng để thưởng thức giây phút chậm chạp của một ngày Giáng Sinh không lạnh, không nóng; thời tiết Sài Gòn những ngày này thật dễ chịu. Nhiệt độ ngoài trời chỉ khoảng 20-23 độ C, trời xanh cao vời vợi đan xen ánh nắng dịu dàng. Tôi đã từng nghĩ bầu trời Paris một ngày hè trong vắt tháng 6 là đẹp nhất. Nhưng giờ tôi thay đổi ý kiến rồi: Sài Gòn những ngày cuối năm cũng thật đẹp, nắng trong veo và gió man mát. Tôi nghĩ mình thật may mắn khi được nghỉ bù hiếm hoi vào dịp Giáng Sinh khi đó không phải là ngày lễ chính thức của Việt Nam. Mà chính xác hơn là tôi thấy biết ơn khi được làm việc trong một công ty dù nhỏ thôi nhưng ai cũng rất chuyên nghiệp và tôn trọng thời gian cá nhân của nhau, còn sếp thì rất thấu tình đạt lý. Nơi này, tôi thấy mình đã trưởng thành rất nhiều và nhận được rất nhiều cơ hội để phát triển và học tập. Thôi, tôi không muốn mình nói đi nói lại chuyện công việc nữa. Tôi bị bạn bè càm ràm là dù trong kỳ nghỉ cuối năm có vài ngày thôi mà tôi vẫn lạm việc quá, mở miệng ra là việc. Tôi cần dành thời gian thêm cho bản thân mình hơn. Bạn tôi nói đùa là: “Chừng nào bạn còn bán mình cho chủ nghĩa tư bản thì bạn còn mất tự do kiểm soát thời gian cá nhân.” Tôi cười cười, nghĩ lại thì cũng đúng. Một khi đã yêu công việc thì dứt ra khó lắm. Nhưng, dù gì thì cũng nên cân bằng hơn thì mới đi được đường dài. Các cụ có câu: “Đường xa mới biết ngựa hay” Niềm vui đơn giản của việc nằm dài và không-làm-gì-cả Nếu là tôi của tuổi 20-25 thì tôi đã lên một danh sách dài 10 điều cần làm khi đi du lịch hoặc đến một vùng đất mới. Tôi đã từng rất háo hức để khám phá những danh lam thắng cảnh, để rồi nhanh chóng check-in, selfie, viết một vài cái status thật cool và chụp hình thật nhiều tới khi đầy bộ nhớ máy ảnh thì thôi. Tôi của ngoài 30 thì chỉ có một niềm vui đơn giản là tới một nơi vắng lặng, ít người, nhiều cây xanh để nằm dài yên lặng dưới cái nắng gió hiu hiu, thiêm thiếp nhắm mắt và lắng nghe tiếng sóng biển xô vào bờ cát mềm mại. Tôi nghĩ đây là đặc quyền mà chỉ những người dở-dở-ương-ương như tôi mới thấy yêu thích. Nếu có gia đình thì bạn sẽ phải chăm lo kỳ nghỉ cho những đứa trẻ. Còn tôi: độc lập – tự do – hạnh phúc (chân lý của tự do thì không sai bao giờ!). Tôi kéo chiếc ghế tắm nắng ra khỏi bóng dâm của hàng dừa để làn da tôi được nhuốm cái nâu giòn của biển cả, của nắng, của gió. Thoa một chút tanning oil lên da, tôi thấy mình quyến rũ và hạnh phúc hơn cả trăm lần lúc hồi tôi còn trẻ. Ở cái lứa tuổi này, vẻ đẹp không đến từ hàng hiệu hay son phấn; vẻ đẹp của người phụ nữ nằm ở trải nghiệm, tính cách và sự tự tin. Tôi đã thôi trang điểm từ cả hai năm nay, chỉ đơn thuần tập trung vào những gì đơn giản nhất. Tôi tin rằng mình sẽ đẹp nhất khi là chính mình, chỉ cần một chút kem dưỡng da, bôi lên chút son và xức chút nước hoa là trọn vẹn lắm rồi. Tôi nằm nghe sóng vỗ và hít thật sâu đầy lồng ngực mình thứ không khí thoáng đãng, tươi mát của mẹ thiên nhiên ban cho. Tôi nghĩ đây là sự sang trọng hiếm có mà không một nơi nào ở thành phố có được, cho dù bạn có cái biệt thự thật to với hồ bơi ao cá với sân vườn rất lớn. Chàng trai kế bên tay phải đang xoa kem chống nắng cho bạn gái. Hai mẹ con ở bên tay trái đang chơi xúc cát và cùng nhau xây nhà bằng cát với mấy cái vỏ sò. Cuộc sống dễ thương quá! Có phải chỉ cần thế này là hạnh phúc rồi không? Năm mới và những kế hoạch mới… thì nhỏ hơn Không còn những câu đao to búa lớn, tôi khẽ khàng viết lên tờ giấy 2023 New Year Resolution của mình một vài cái chấm nhỏ dựa trên 4 điều trong cuộc sống: Gia đình, Công Việc, Bản Thân và Mối quan hệ xã hội. Dần dà, theo thời gian, tôi bỏ bớt đi những điều không thực sự quan trọng với mình, để thực sự tập trung vào điều mình muốn. Tôi thường tự đặt câu hỏi mang tính loại trừ: “Nếu chỉ được chọn 3 điều, thì đó là gì?”. Những sự xao nhãng dù nhỏ thôi cũng dễ dàng khiến mình bị chệch hướng và ngày một cách xa đích cuối cùng. Theo thói quen, tôi gấp tờ giấy làm 4 và cất vào ví để dành cuối năm xem lại. Năm nào tôi cũng làm vậy và cảm giác nhìn lại những gì mình làm được sau một năm thật là thú vị. Hành trình một năm trôi qua với nhiều biến động và rất cảm ơn mình

Bớt khắt khe với nhau một chút

Trong công việc, mình có cơ hội được gặp gỡ và học hỏi từ rất nhiều người khác nhau, từ những người rất giỏi cho tới những người khó tính. Ví dụ có vị khách mắng bạn nhân viên xối xả và trách móc thậm tệ hệ thống quản lý của doanh nghiệp, thậm chí đưa lên cả mạng xã hội và nhận được nhiều bình luận rôm rả, chỉ vì một lỗi rất nhỏ: bạn nhân viên xưng hô với khách hàng không đúng danh xưng. Mình sẽ không bàn vấn đề đúng-sai trong câu chuyện trên vì dưới góc nhìn cá nhân thì ai cũng đề cao luận điểm cá nhân của mình để chứng tỏ mình đúng. Nhìn nhận vấn đề sao cho đúng Trong cuộc sống, chúng ta phải đối mặt với rất nhiều vấn đề từ công việc, gia đình tới các mối quan hệ xa-gần, ngẫu nhiên hay cố tình khiến chúng ta mệt mỏi, cáu gắt. Mới dắt xe ra khỏi nhà thì phát hiện xe bị xịt lốp. Cáu. Nhân viên lễ tân xưng hô sai tên mình. Tức. Trên đời này, có rất nhiều thứ chúng ta không thể kiểm soát được, ví dụ như trời mưa hay nắng, người yêu nói lời chia tay vì hết tình cảm, v.v… Vậy với những thứ không thể kiểm soát được như vậy, hà cớ gì mình phải tức bực? Phản ứng của con người trước những sự kiện là rất bình thường, có vui buồn giận hờn đấy nhưng để dẫn tới những hành động quá lố, biến đốm lửa nhỏ thành đám thành rừng, thì liệu có đáng? Khi sự bực tức nhấn chìm lấy con người ta thì dần dà chúng ta trở nên khó tính hơn, xấu xí hơn bởi xung quanh toàn thấy năng lượng tiêu cực. Lê Trần Bảo Phương – tác giả của “Quyền Năng Bí Ẩn” đã nêu ra 3 nhân tố chính có ảnh hưởng đến hành vi của con người, bao gồm: sự tồn tại, vật chất và quyền lực. Sự tồn tại: Quan niệm thời nay là “không cạnh tranh thì không thể tồn tại”, một nhu cầu tự nhiên và giúp cho con người cảm thấy an toàn. Vật chất: Vì muốn một cuộc sống đầy đủ, tiện nghi và sung sướng hơn, con người trước tiên nghĩ đến lợi ích cho bản thân. Càng kiếm nhiều thì càng dễ đạt được những điều cơ bản này. Quyền lực: Con người thèm muốn sức mạnh thống trị hoặc gây ảnh hưởng đến người khác và điều chỉnh hành vi của người khác. Vị khách trong ví dụ đầu bài đã làm quá sự việc lên có thể vì muốn chứng tỏ quyền lực của một khách tiềm năng “khách hàng là thượng đế” và muốn gây ảnh hưởng trên mạng xã hội. Bớt khắt khe hơn với người khác và cả chính mình Mình biết mình là một người cầu toàn, điển hình của cung Xử Nữ. Trong công việc, mình muốn mỗi kết quả đạt được phải ở mức hoàn hảo, từ câu chữ văn phong lẫn cả việc sắp xếp folder trên máy tính. Mình muốn mọi thứ phải gọn gàng, ngăn nắp từ bàn làm việc cho tới nhà ở; càng đơn giản sạch sẽ càng tốt. Mình đã từng kỳ vọng cả những người xung quanh mình cũng phải mong cầu sự hoàn hảo như vậy. Dần dà khi lớn lên mình có cơ hội được đi nhiều hơn, làm việc và trải nghiệm với nhiều văn hóa khác nhau Âu-Á đủ cả, kết bạn với nhiều người mới hơn. Mình mở lòng hơn với những sự khác biệt. Những trải nghiệm phong phú khiến mình trở nên dạn dĩ và lì đòn hơn, tất nhiên, bớt khắt khe với những điều khác mình và chưa hoàn hảo. Mình hiểu ra là: Đâu thể đòi hỏi tất cả mọi người xung quanh phải yêu mến mình. Đâu thể đòi hỏi mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch 100%. Sai thì sửa. Chưa tốt thì học thêm. Góp ý nhẹ nhàng, thẳng thắn, trực diện sẽ hiệu quả hơn nhiều việc dọa nạt, quát mắng. Những tiêu chuẩn do chính bạn đặt ra bị ảnh hưởng bởi môi trường bạn lớn lên, những gì bạn được học trong trường và những kì vọng của bản thân, gia đình. Việc lúc nào cũng chạy theo tiêu chuẩn khiến cuộc sống trở nên thật áp lực. Đâu có quy định nào của xã hội viết là 30 tuổi phải có nhà, có xe thì mới là thành công. Ở đâu quy định rằng phụ nữ phải da trắng, eo thon, ngực nở, mũi cao mới là chuẩn mực của cái đẹp. Người châu Phi da không trắng và hàm răng to thì chả nhẽ họ xấu? Nếu bạn chỉ có khiếu hài hước, sự thông minh và lòng dũng cảm thì bạn không được coi là cô gái đẹp? Càng đi nhiều bạn sẽ càng thấy mình nhỏ bé. Càng học nhiều bạn sẽ càng thấy mình chưa biết gì. Sự khác biệt và không hoàn hảo là những điều rất bình thường trong thế giới tự nhiên. Khi mọi chuẩn mực chỉ mang tính tương đối, bị chi phối bởi những yếu tố xã hội và lịch sử thì hà cớ gì con người phải hà khắc với những điều nhỏ nhặt xung quanh? Môi trường startup dạy mình rất nhiều điều 4 năm làm việc trong start-up đã dạy cho mình rất nhiều điều về việc chấp nhận thay đổi để trở nên tốt hơn, tính thích nghi và sự tò mò với những điều mới lạ. Với nguồn lực hạn chế và tuổi đời non nớt, chúng mình luôn nhìn thấy lỗi sai và những điều cần cải thiện trong sản phẩm lẫn quy trình vận hành. Quy trình có thể chưa hoàn hảo, con người chắc chắn

Sự trống rỗng là để tìm thấy cân bằng

Khi viết những dòng này không có nghĩa là mình đang bi quan hay tiêu cực, đơn thuần là mình đang tự nhận thức về một điều gì đó đang diễn ra bên trong suy nghĩ của bản thân. Càng lớn, mình càng làm quen nhiều hơn với sự trống rỗng một cách có chủ đích. Ban đầu, đơn giản chỉ là có những lúc mệt quá (phần lớn do stress liên tục) hoặc đi qua những nỗi buồn thì toàn bộ cơ thể và suy nghĩ dễ bị shut down, không làm được gì thêm. Khi đó, mình tắt toàn bộ các thiết bị điện tử và không suy nghĩ gì cả trong một khoảng thời gian nhất định thì thấy đầu óc trở nên nhẹ nhàng, minh mẫn hơn. Trống rỗng khi không làm gì cả Mình thích nằm dài dưới bóng râm, bên bờ biển, gió hiu hiu xen lẫn tiếng sóng dạt vào bờ. Hoặc tản bộ trên con đường mòn trong rừng một chiều hè khi những tia nắng muộn vẫn còn len lỏi đan qua những tán cây cao. Không đeo tai nghe. Không đọc sách. Đúng, không làm gì cả! Sự trống rỗng trong tâm trí đưa mình quay về với những điều bản thân thấy thực sự cần thiết. Càng sống lâu trong những thành phố lớn thì chúng ta càng dễ thấy cô đơn và buồn chán dù xung quanh có rất nhiều thứ để giải trí như cinema, shopping mall, karaoke mở 24/7. Sự buồn chán và tuyệt vọng đến từ sự mất cân bằng trong cuộc sống. Giữa những hối hả của nhịp sống cơm áo gạo tiền, con người cần sự yên lặng để nhìn vào bên trong và hiểu bản thân mình hơn là những lớp vỏ hào nhoáng bên ngoài mà giới truyền thông đang tung hô ra rả hàng ngày. Chậm lại không phải là thụt lùi mà để nghiêm túc nhìn lại bản thân mình, không che đậy, không giấu giếm, không màu mè.  Trống rỗng khi chạy bộ Công bằng mà nói thì chạy bộ là một bộ môn thể thao khá nhàm chán vì 95% thời gian bạn chỉ đối diện với chính bản thân mình thay vì tranh đấu với đối thủ như trong các môn thể thao đối kháng như tennis, cầu lông hay bóng chuyền. Riêng với mình thì chạy bộ là bộ môn hoàn hảo để mình tập trung vào bản thân và giải phóng toàn bộ sức lực lẫn suy nghĩ. Vận động một mình khiến thì đầu óc mình trống rỗng một cách thích thú. Sau 15 phút chạy, các luồng suy nghĩ của mình biến mất hầu như hoàn toàn, chỉ tập trung vào hơi thở và nhịp di chuyển của chân.  Người ta nói chạy bộ nói riêng hay thể thao nói chung là khởi nguồn cho những sáng tạo vì lúc đó bộ não được giải thoát. Mình không chắc về điều này lắm vì mình chưa thấy bản thân là người sáng tạo lắm. Nhưng điều mình không thể phủ nhận là xỏ giày vào và cắm đầu chạy hàng ngày giúp mình kiên trì hơn, nhẫn nại hơn và tìm thấy sự cân bằng sau những lúc mệt mỏi. Sẽ thật tồi tệ như là sau một tuần làm việc căng thẳng mà mình không thể tìm nổi cho bản thân những khoảnh khắc trống rỗng và yên lặng. Giống như trong cuộc đua rat race vậy, ta cứ mải miết chạy mãi, chạy không dừng để nhanh tới vạch đích mà không biết rằng sớm muộn rồi mình có thể bị burnout và chấn thương bất kì lúc nào.  Sự trống rỗng có đáng sợ không? Nếu tìm kiếm trên Google bạn sẽ thấy rất nhiều định nghĩa tiêu cực về sự trống rỗng. Ai cũng có nỗi lo của mình: trẻ con thì lo học điểm cao trường chuyên lớp chọn, người lớn thì lo công danh dự nghiệp tiền tài địa vị. Không ai giống ai cả; mỗi người có một xuất phát điểm và hoàn cảnh sống khác nhau. Những khoảng lặng là điều cần thiết để bạn tập trung vào chính bản thân bạn, để tâm vào những điều thực sự quan trọng và lấy lại những năng lượng đã mất. Self-awareness is probably the most important thing towards being a champion. Billie Jean King Mình hôm nay chỉ cần cố gắng là một phiên bản tốt hơn của ngày hôm qua. Lắng nghe bản thân để tự nhận thức về mình nhiều hơn, hiểu nó thực sự cần gì và muốn gì để từ đó xác định được mình muốn trở thành người như thế nào. Hạnh phúc là một cuộc hành trình chứ không phải đích đến; bạn sẽ cần rất nhiều sự kiên trì và nhẫn nại để đi hết hành trình đó. xoxo Trang In Tech