Trong công việc, mình có cơ hội được gặp gỡ và học hỏi từ rất nhiều người khác nhau, từ những người rất giỏi cho tới những người khó tính. Ví dụ có vị khách mắng bạn nhân viên xối xả và trách móc thậm tệ hệ thống quản lý của doanh nghiệp, thậm chí đưa lên cả mạng xã hội và nhận được nhiều bình luận rôm rả, chỉ vì một lỗi rất nhỏ: bạn nhân viên xưng hô với khách hàng không đúng danh xưng.
Mình sẽ không bàn vấn đề đúng-sai trong câu chuyện trên vì dưới góc nhìn cá nhân thì ai cũng đề cao luận điểm cá nhân của mình để chứng tỏ mình đúng.
Nhìn nhận vấn đề sao cho đúng
Trong cuộc sống, chúng ta phải đối mặt với rất nhiều vấn đề từ công việc, gia đình tới các mối quan hệ xa-gần, ngẫu nhiên hay cố tình khiến chúng ta mệt mỏi, cáu gắt.
Mới dắt xe ra khỏi nhà thì phát hiện xe bị xịt lốp. Cáu. Nhân viên lễ tân xưng hô sai tên mình. Tức.
Trên đời này, có rất nhiều thứ chúng ta không thể kiểm soát được, ví dụ như trời mưa hay nắng, người yêu nói lời chia tay vì hết tình cảm, v.v… Vậy với những thứ không thể kiểm soát được như vậy, hà cớ gì mình phải tức bực?
Phản ứng của con người trước những sự kiện là rất bình thường, có vui buồn giận hờn đấy nhưng để dẫn tới những hành động quá lố, biến đốm lửa nhỏ thành đám thành rừng, thì liệu có đáng? Khi sự bực tức nhấn chìm lấy con người ta thì dần dà chúng ta trở nên khó tính hơn, xấu xí hơn bởi xung quanh toàn thấy năng lượng tiêu cực.
Lê Trần Bảo Phương – tác giả của “Quyền Năng Bí Ẩn” đã nêu ra 3 nhân tố chính có ảnh hưởng đến hành vi của con người, bao gồm: sự tồn tại, vật chất và quyền lực.
- Sự tồn tại: Quan niệm thời nay là “không cạnh tranh thì không thể tồn tại”, một nhu cầu tự nhiên và giúp cho con người cảm thấy an toàn.
- Vật chất: Vì muốn một cuộc sống đầy đủ, tiện nghi và sung sướng hơn, con người trước tiên nghĩ đến lợi ích cho bản thân. Càng kiếm nhiều thì càng dễ đạt được những điều cơ bản này.
- Quyền lực: Con người thèm muốn sức mạnh thống trị hoặc gây ảnh hưởng đến người khác và điều chỉnh hành vi của người khác.
Vị khách trong ví dụ đầu bài đã làm quá sự việc lên có thể vì muốn chứng tỏ quyền lực của một khách tiềm năng “khách hàng là thượng đế” và muốn gây ảnh hưởng trên mạng xã hội.
Bớt khắt khe hơn với người khác và cả chính mình
Mình biết mình là một người cầu toàn, điển hình của cung Xử Nữ. Trong công việc, mình muốn mỗi kết quả đạt được phải ở mức hoàn hảo, từ câu chữ văn phong lẫn cả việc sắp xếp folder trên máy tính. Mình muốn mọi thứ phải gọn gàng, ngăn nắp từ bàn làm việc cho tới nhà ở; càng đơn giản sạch sẽ càng tốt. Mình đã từng kỳ vọng cả những người xung quanh mình cũng phải mong cầu sự hoàn hảo như vậy.
Dần dà khi lớn lên mình có cơ hội được đi nhiều hơn, làm việc và trải nghiệm với nhiều văn hóa khác nhau Âu-Á đủ cả, kết bạn với nhiều người mới hơn. Mình mở lòng hơn với những sự khác biệt. Những trải nghiệm phong phú khiến mình trở nên dạn dĩ và lì đòn hơn, tất nhiên, bớt khắt khe với những điều khác mình và chưa hoàn hảo.
Mình hiểu ra là:
Đâu thể đòi hỏi tất cả mọi người xung quanh phải yêu mến mình.
Đâu thể đòi hỏi mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch 100%.
Sai thì sửa. Chưa tốt thì học thêm. Góp ý nhẹ nhàng, thẳng thắn, trực diện sẽ hiệu quả hơn nhiều việc dọa nạt, quát mắng.
Những tiêu chuẩn do chính bạn đặt ra bị ảnh hưởng bởi môi trường bạn lớn lên, những gì bạn được học trong trường và những kì vọng của bản thân, gia đình. Việc lúc nào cũng chạy theo tiêu chuẩn khiến cuộc sống trở nên thật áp lực.
Đâu có quy định nào của xã hội viết là 30 tuổi phải có nhà, có xe thì mới là thành công.
Ở đâu quy định rằng phụ nữ phải da trắng, eo thon, ngực nở, mũi cao mới là chuẩn mực của cái đẹp. Người châu Phi da không trắng và hàm răng to thì chả nhẽ họ xấu? Nếu bạn chỉ có khiếu hài hước, sự thông minh và lòng dũng cảm thì bạn không được coi là cô gái đẹp?
Càng đi nhiều bạn sẽ càng thấy mình nhỏ bé. Càng học nhiều bạn sẽ càng thấy mình chưa biết gì. Sự khác biệt và không hoàn hảo là những điều rất bình thường trong thế giới tự nhiên. Khi mọi chuẩn mực chỉ mang tính tương đối, bị chi phối bởi những yếu tố xã hội và lịch sử thì hà cớ gì con người phải hà khắc với những điều nhỏ nhặt xung quanh?
Môi trường startup dạy mình rất nhiều điều
4 năm làm việc trong start-up đã dạy cho mình rất nhiều điều về việc chấp nhận thay đổi để trở nên tốt hơn, tính thích nghi và sự tò mò với những điều mới lạ. Với nguồn lực hạn chế và tuổi đời non nớt, chúng mình luôn nhìn thấy lỗi sai và những điều cần cải thiện trong sản phẩm lẫn quy trình vận hành. Quy trình có thể chưa hoàn hảo, con người chắc chắn vẫn có sai sót, nhưng ít nhất là mình luôn thẳng thắn nhìn nhận những điều chưa tốt đó để nghiêm túc sửa đổi và cầu tiến hơn mỗi ngày.
Công ty mình có một chỉ số rất hay khuyến khích nhân viên tự học và phát triển, đó là: L&D benefit participants (viết tắt của: Learning and Development Program). Đại loại là trong mỗi quý, tất cả nhân viên ở mọi cấp độ không việc cấp bậc đều được cấp cho một ngân sách để tự học một cái gì đó liên quan tới công việc. Bạn có thể học Project Management, lập trình web, phân tích dữ liệu hay là thậm chí đơn giản là master kỹ năng Excel, tất cả những thứ hữu ích giúp bạn phát triển bản thân, nâng cao hiệu quả làm việc.
Mình thấy chương trình này rất hữu ích không chỉ trong các tập đoàn lớn mà cả với các công ty vừa và nhỏ với số lượng nhân sự dưới 50 người. Chính sách tốt giúp gắn kết nhân viên hơn, giảm tỉ lệ nhân viên rời đi/nghỉ việc trong thời gian ngắn, tăng hiệu suất làm việc nhất là lứa các bạn trẻ kinh nghiệm dưới 3 năm. Con người chính là điều nòng cốt giúp doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ. Đội ngũ có hạnh phúc thì mới tạo ra được những sản phẩm tốt hơn.
Sau covid, mọi thứ thay đổi rất nhiều. Mình thấy bản thân biết chấp nhận nhiều hơn và bớt khó tính với những điều không-quan-trọng. Mình không biết ngày mai liệu chiến tranh có xảy ra không, liệu đại dịch kế tiếp là khi nào, hay kinh tế bao giờ mới bình ổn trở lại khi giờ lạm phát diễn ra trên toàn thế giới. Xác định cho bản thân “core values” không thể thỏa hiệp và từ đó giảm bớt áp lực tới từ những tiêu chuẩn vô hình sẵn có.
Chúng ta không ai hoàn hảo, không-một-ai-hòan-hảo! Đó là sự thật và luôn luôn là điều không thể chối cãi. Sống vui hơn, tốt hơn 1% mỗi ngày chả phải quan trọng hơn rất nhiều những khắt khe, xét nét không đáng có sao?
xoxo
Trang In Tech
Follow me on these channels
Bài của bạn rất hay. Cho mình làm quen nhé. Hi hi
haha 1 chai chưa say bạn ei