Loading ...

Trang In Tech

Có một dạo, mình rất hay bực mình về việc người đối diện không thẳng thắn nói Yes or No cho dù mình đã cố gắng tiếp cận trực diện nhiều lần để lấy câu trả lời. Mình thích sự rõ ràng và nhất quán (dù biết rằng cuộc sống không chỉ có trắng hoặc đen).

Ví dụ: Điển hình trong kinh doanh, nếu không bạn không muốn mua một sản phẩm và chỉ muốn tham khảo thôi thì bạn hoàn toàn có thể nói mục đích tham khảo của bạn và ý định không mua sản phẩm, để người bán không làm phiền tới bạn nữa.

Hoặc, nếu bạn chưa thực sự biết mình có thích sản phẩm đó hay không và muốn thêm thời gian suy nghĩ thì có thể nói rõ với người bán là bạn đang cân nhắc, cần X ngày suy nghĩ hãy liên hệ lại vào Y thời gian. Như vậy, cả hai bên sẽ bớt mất thời gian của nhau và dễ dàng xác định được kết quả cụ thể.

Thẳng thắn trong công việc

Với kinh nghiệm đi làm đủ lâu, mình nhận ra rằng để có thể lên các vị trí Quản lý cấp cao thì bạn không chỉ cần chuyên môn giỏi mà còn phải giao tiếp hiệu quả nữa. Ngành nghề nào cũng vậy, có thể bạn rất giỏi việc chuyên môn nhưng khả năng truyền đạt thông tin và lãnh đạo đội nhóm kém, đồng đội không đồng lòng đi theo thì bạn sẽ chỉ dừng lại ở mức trung bình trong nấc thang nghề nghiệp mà thôi.

Ai cũng biết là muốn giao tiếp hiệu quả thì cần thẳng thắn, chân thành, trực diện và sự thấu hiểu; nhưng “nói thì dễ, làm mới khó”. Càng trong môi trường đa văn hóa, càng va chạm nhiều ta càng dễ gặp bất đồng trong giao tiếp. Muốn hiểu nhau thì cách duy nhất là giao tiếp cởi mở và thẳng thắn để tìm được tiếng nói chung.

Đi họp xử lý vấn đề vẫn phải vừa vui vẻ vừa nghiêm túc, kẻo mọi người bỏ chạy hết vì sợ.

Một sáng thứ hai đẹp trời, bạn nhận được một task mới đột xuất từ sếp yêu cầu phải hoàn thành trong vòng nửa ngày mà thực tế là bạn biết chắc bạn không thể hoàn thành được nó với thời gian ngắn như vậy, đồng thời bạn cũng không hiểu rõ mục đích và nguyên nhân của task đó. Hãy chia làm 2 cách xử lý như sau:

Cách 1: Mình cứ làm theo như được yêu cầu mà không cần làm rõ lại. Kết quả: toàn bộ việc của ngày hôm đó mình dự định làm sẽ bị dang dở và trong lòng mình còn ôm nỗi ấm ức, băn khoăn.

Cách 2: Hỏi thẳng sếp những câu hỏi mình đang có trong đầu và thống nhất kết quả có thể đạt được trong thời gian ngắn. Vừa tiết kiệm thời gian và mình lại không ôm cục tức trong lòng, tránh việc dồn task sau đó và cuối ngày phải ở lại làm thêm.

Là một người với bản tính quyết liệt, mình luôn luôn chọn cách 2 để giải quyết: Nói chuyện mặt đối mặt, rõ ràng và nhanh gọn tầm 15 phút để đi tới sự đồng thuận, không quên ghi chú lại cẩn thận những điều cần lưu ý. Mình rất sợ những thứ lòng vòng, mất thời gian của đôi bên và có thể gây mâu thuẫn về sau.

Có thể với nhiều bạn, việc nói chuyện thẳng thắn giữa nhân viên-sếp là rất aggressive, bất lịch sự và không khéo léo. Trong văn hóa truyền thống Việt Nam kiểu “nói một hiểu mười” hay còn gọi là “giao tiếp high-context” được đề cao; khá phổ biến nhất là trong các cộng đồng văn hóa Châu Á. Bạn cần có khả năng tiên đoán ý, quan sát cử chỉ, thái độ, và tông giọng của người nói để làm cho đúng.

Trong văn hóa làm việc đậm chất Mỹ và ít phân cấp như công ty hiện tại của mình thì đề cao văn hóa “giao tiếp low-context” nói thẳng vào nghĩa đen của sự việc, không nói bóng nói gió, không vòng vo tam quốc, ngôn ngữ đơn giản, mạch lạc, trao đổi face-to-face (mặt đối mặt). Điều này giúp giải quyết vấn đề nhanh gọn hơn, tránh gây hiểu nhầm không cần thiết, hạn chế lãng phí thời gian và tập trung get shit done để có kết quả tốt.

Rèn luyện sự thắng thắn để giao tiếp hiệu quả

Mình chỉ đạt được sự giao tiếp hiệu quả khi mình sống độc lập và tách khỏi môi trường quen thuộc của việc “nói một hiểu mười” vào 7 năm về trước, một mình đi học xa nhà và mở mang tầm mắt với các nền văn hóa khác nhau. Trong quá trình học hỏi này, mình trải qua rất nhiều đau thương của việc hiểu lầm trong giao tiếp kèm những bài học sâu sắc về việc duy trình sự thẳng thắn trong giao tiếp và các mối quan hệ.

Khi phải nói thẳng hoặc từ chối việc gì đó, ví dụ như lời mời đi sinh nhật bạn vào cuối tuần, hay không thể nhận thêm dự án vì công việc đã quá tải. Khi đó, mình thường sẽ tự đặt ra những câu hỏi như:

  • Liệu mình có thật sự muốn làm điều đó không?
  • Tại sao mình lại sợ từ chối hay nói thẳng?
  • Những điều mình đang sợ là gì?
  • Mình trả lời xong thì điều xảy ra tiếp theo?

Khi có quyết định trong đầu, mình sẽ ngay lập tức trả lời đối phương mà không hối tiếc. Vì thực tế, mình đã suy nghĩ nghiêm túc rồi mới nói một cách rõ ràng để hai bên có thể hiểu nhau. Vì có tôn trọng người đối diện thì mình mới dành thời gian suy nghĩ về nó và chân thành nói ra quyết định của bản thân.

Để có được 8 tiếng đi làm không drama, mình thường chỉ dành thời gian cho những cuộc nói chuyện với mục tiêu rõ ràng và chỉ bao gồm những người thực sự liên quan. Mình không thích “nói xấu sau lưng” và mấy thứ chính trị trong văn phòng vì những điều này không mang lại giá trị, cũng không giải quyết được bất kể vấn đề gì (ngoài việc giúp sướng cái mồm).

Bạn có tin không, “hít drama” nhiều chỉ tổ nặng đầu thêm thôi. Thời gian rảnh đó thì dành mà học thêm cái gì mới để tăng thu nhập, thăng chức hoặc kiếm người yêu, như vậy có phải bổ ích hơn không. Trong công ty mình, ngay từ buổi đầu tiên vào làm, tất cả mọi người đều được khuyến khích trao đổi, góp ý thẳng thắn để có thể cùng nhau phát triển; không ai hoàn hảo cả và chúng ta đều có thể học hỏi lẫn nhau. Ngồi xuống dành cho nhau 10 phút để nói chuyện face-to-face tránh được rất nhiều những khúc mắc không đáng có (nhất là phái nữ).

Điểm chung của các mối quan hệ lâu bền chính là giao tiếp thẳng thắn và chân thành. Không có phép màu nhiệm nào ngoài việc cùng nhau mở lòng để giải quyết sự khác biệt trong suy nghĩ để đi tới tiếng nói chung.

xo

Trang In Tech

Follow me on these channels
Share the post on:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *